Theo Microsoft, ý tưởng điều trị ung thư thông qua khoa học máy tính được đánh giá là khả thi bởi những tiến trình diễn ra bên trong tế bào có những điểm giống với những gì xảy ra bên trong một chiếc máy tính để bàn. Để chinh phục mục tiêu này, Microsoft đã huy động một đội ngũ gồm hơn 150 nhà khoa học, kỹ sư và lập trình viên phần mềm hàng đầu thế giới tập trung tìm kiếm phương thức điều trị ung thư tương tự cách người ta xử lý lỗi trên hệ thống máy tính. Nhóm nghiên cứu này hiện theo đuổi việc lập mô hình máy tính các tiến trình xảy ra bên trong tế bào và các hệ thống sống.
Một nỗ lực khác của nhóm là chế tạo “một máy tính làm từ ADN” có thể sống bên trong tế bào và tìm kiếm các “lỗi”, như tế bào ung thư. Một khi phát hiện tế bào ung thư, hệ thống sẽ được tái khởi động để “dọn sạch” các tế bào bị bệnh. Nói tóm lại, loại máy tính phân tử này đóng vai trò như một bác sĩ có nhiệm vụ phát hiện và tiêu hủy tế bào ung thư.
Vào mùa hè qua, Microsoft đã mở phòng thí nghiệm điện toán sinh học mới tại TP Cambridge - Anh để hỗ trợ hoạt động của đội ngũ chuyên gia nói trên. “Sinh học và máy tính dường như chẳng liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, những tiến trình phức tạp xảy ra bên trong tế bào có những tương đồng nhất định với các tiến trình xảy ra bên trong một máy tính để bàn thông thường. Việc Microsoft tham gia tìm kiếm phương thức điều trị ung thư là điều rất dễ hiểu bởi công ty có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn trong khoa học máy tính và những gì đang xảy ra trong ung thư là một vấn đề điện toán” - ông Chris Bishop, giám đốc phòng thí nghiệm, giải thích.
Nhóm nghiên cứu tại Microsoft cho biết nếu thành công, họ sẽ có thể kiểm soát hành vi của tế bào và khiến nó trở lại trạng thái khỏe mạnh. Tập đoàn này kỳ vọng một giải pháp điều trị ung thư bằng khoa học máy tính sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động trong vòng 10 năm nữa. “Một hệ thống phân tử thông minh có khả năng phát hiện bệnh tật sẽ xuất hiện sau từ 5-10 năm nữa” - ông Andrew Phillips, người phụ trách bộ phận điện toán sinh học của Microsoft, nói với tờ The Telegraph (Anh).
Trước mắt, các mô hình máy tính của nhóm đang hỗ trợ công ty dược phẩm bào chế thuốc. Các nhà khoa học của Microsoft còn phát triển phần mềm cho phép so sánh giữa tế bào khỏe và tế bào bệnh để biết được chuyện gì xảy ra với tế bào bệnh rồi tìm kiếm biện pháp “chỉnh sửa”. Phần mềm có tên Bio Model Analyser này đang được sử dụng để giúp giới nghiên cứu tìm kiếm cách điều trị bệnh bạch cầu hiệu quả hơn. “Tôi cho là một số loại ung thư có thể được chữa khỏi trong vòng 5 năm tới nhưng những loại khác có lẽ phải mất một thập kỷ nữa. Sau đó, chúng ta sẽ có thể bước vào thời kỳ không còn ung thư” - tiến sĩ Jasmin Fisher, nhà nghiên cứu của Trường ĐH Cambridge (Anh), hy vọng.
Hiểm họa “siêu vi khuẩn”
Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 21-9, toàn bộ 193 quốc gia thành viên cùng 13 công ty dược hàng đầu thế giới đã nhất trí cùng nhau tìm cách đối phó tình trạng “siêu vi khuẩn” kháng thuốc kháng sinh, được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với y học hiện đại. Theo tuyên bố được ký kết, các chính phủ, công ty dược cam kết tăng cường kiểm soát thị trường thuốc, đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức về nguy cơ sử dụng quá liều thuốc kháng sinh ở người và gia súc, khuyến khích nghiên cứu các phương pháp điều trị thay thế…
Các nhà khoa học đã cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh cách đây nhiều thập niên, thời điểm các công ty dược bắt đầu sản xuất thuốc ở quy mô công nghiệp. Theo tờ The Guardian (Anh), hơn 700.000 người ước tính tử vong mỗi năm do các bệnh lây nhiễm kháng thuốc. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều do hiện chưa có hệ thống toàn cầu nào thống kê số ca tử vong loại này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hy vọng động thái trên thu hút nhiều nguồn tài chính hơn cho nỗ lực đối phó “siêu vi khuẩn”. “Chúng ta đang đánh mất khả năng điều trị bệnh lây nhiễm. Điều đó không chỉ đe dọa làm tăng số ca tử vong mà còn tác động đến khả năng chăm sóc bệnh nhân” - kênh Deutsche Welle trích dẫn phát biểu của ông Keiji Fukuda, quan chức cấp cao WHO.
Lục San
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét