Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Thứ Ba của bạn: Sư Tử nhặt được tiền

Bạch Dương (21/3 - 19/4)

Bạch Dương đừng vội nản chí dù đang rơi vào tình thế khó khăn. Chỉ cần bạn quyết tâm và có kế sách hợp lí, cơ hội xoay chuyển tình thế sẽ đến.

Ngoài ra, Bạch Dương cần tận dụng các mối quan hệ sẵn có. Bạn có thể tranh thủ được khá nhiều sự hỗ trợ, thậm chí là sự hậu thuẫn lớn về tài chính.

Kim Ngưu (20/4 - 20/5)

Hôm nay, Kim Ngưu không được chủ quan. Hãy chuẩn bị thật kỹ càng cho dự định quan trọng của mình. May mắn là bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ trong những tình huống khó khăn nên không cần lo lắng quá.

Thời gian này, Kim Ngưu không thực sự hào hứng với công việc nhưng bạn vẫn phải chấp nhận vì không có nhiều lựa chọn khác.

Song Tử (21/5 - 21/6)

Cơ hội để Song Tử thể hiện cái Tôi đang đến rất gần. Bạn hãy nhân cơ hội này nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình. Tình hình tài chính của Song Tử chỉ ở mức khá, cần phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn.

Cự Giải (22/6 - 22/7)

Cự Giải mong chờ điều kỳ diệu trong tình yêu sẽ đến với mình hôm nay. Nhưng bạn càng háo hức chờ đợi lại càng cảm thấy hụt hẫng. Hãy cứ là chính mình, chân thành và nồng nhiệt là đủ.

Thời tiết thay đổi đột ngột khiến sức đề kháng cơ thể Cự Giải ngày càng giảm sút. Bạn nên ăn uống điều độ, tránh la cà ăn uống ngoài đường.

Sư Tử (23/7 - 22/8)

Hôm nay, Sư Tử khá may mắn về tiền bạc, thậm chí ra đường bạn còn nhặt được tiền rơi. Tất nhiên, số tiền không quá lớn nhưng cũng đủ khiến bạn vui cả một ngày.

Trong công việc, một vài chuyện xảy ra khiến Sư Tử cảm thấy bực mình, khó chịu. Bạn không hài lòng với cách xử lý vấn đề của đồng nghiệp, nhưng lại không thể trực tiếp nói ra suy nghĩ của mình nên cứ bứt rứt trong lòng.

Xử Nữ (23/8 - 22/9)

Những áp lực từ phía gia đình khiến bạn mệt mỏi. Tình trạng bế tắc sẽ vẫn tiếp tục nếu không có một buổi nói chuyện thẳng thắn về quan điểm của bạn. Đừng sợ làm người khác mất lòng bởi im lặng, trốn tránh sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.

Thiên Bình (23/9 - 21/10)

Trực giác, sự thông minh và khả năng sáng tạo của Thiên Bình sẽ có dịp thể hiện vào hôm nay. Tuy vậy, bạn nên biết phân chia thời gian hợp lý, thay vì lúc nào cũng vùi đầu vào công việc thì cũng cần lên kế hoạch nghỉ ngơi. Hãy chủ động hẹn hò với người ấy và quan tâm hơn đến gia đình.

Thần Nông (22/10 - 21/11)

Thần Nông có xu hướng lo lắng chuyện bao đồng, thích trở thành "người vác tù và hàng tổng". Sự nhiệt tình, hăng hái của bạn sẽ mang tới nhiều vận may trong thời gian sắp tới đấy. Hãy cứ phát huy tinh thần này.

Nhân Mã (22/11 - 21/12)

Nhân Mã và đồng nghiệp rất ăn ý với nhau. Bạn nên tận dụng thời cơ này để hoàn thành càng nhiều việc càng tốt.

Tuy nhiên, một vài người có thể dè chừng và không ủng hộ một vài ý tưởng của bạn, họ cho rằng chúng không khả thi. Thay vì tranh luận đến cùng, Nhân Mã nên lịch sự trao đổi trên tinh thần xây dựng.

Ma Kết (22/12 - 19/1)

Ma Kết sẽ gặp chút khó khăn vào hôm nay. Đừng lo lắng, quý nhân của bạn sẽ xuất hiện đúng thời điểm để giải vây cho bạn, vậy nên hãy cứ bình tĩnh xử lý mọi việc.

Về tình cảm, bạn và đối phương đều mất cảm giác tươi mới, hai người nên tìm lại tiếng nói chung, bằng cách nào đó mà trước đây hai bạn từng làm.

Bảo Bình (20/1 - 18/2)

Bảo Bình cần có đủ thông minh và sự cứng cỏi để tự bảo vệ bản thân trước sự tấn công liên tiếp từ đối thủ. Nếu bạn lơ là một chút là những kẻ tiểu nhân sẽ lợi dụng để bóc mẽ hoặc tố cáo bạn. Ngoài ra, khả năng sáng tạo tuyệt vời sẽ làm bạn có thêm tinh thần làm việc trong hôm nay.

Song Ngư (19/2 - 20/3)

Một ngày lạc quan với Song Ngư khi bạn bỗng nhiên nhận được nhiều sự quan tâm, lo lắng. Sức mạnh tinh thần sẽ mang đến cho bạn nguồn động lực dồi dào. Hôm nay bạn có niềm tin mạnh mẽ là một mình cũng hoàn thành xuất sắc mọi việc.

Đọc tiếp »

Phiến đá khắc hợp đồng thuê đất cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà khảo cổ học Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện phiến đá khắc hợp đồng thuê đất tại Teos, một thành phố Hy Lạp cổ đại thuộc tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, Daily Sabah hôm 2/10 đưa tin. Teos là một trong 12 thành phố thuộc liên minh Ionian, ra đời vào giữa thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên.

Phiến đá khắc hợp đồng thuê đất cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 1Phiến đá cổ khắc nội dung chi tiết bản hợp đồng thuê đất. Ảnh: Doğan News Agency.

Phiến đá dài 1,5 m khắc thông tin chi tiết về một mảnh đất ở Teos, bao gồm chủ sở hữu, người thuê và hình phạt nếu không tuân thủ điều khoản. Nó được cho là phiến đá chi tiết nhất trong số các phiến đá cùng loại được tìm thấy ở Anatolia, một bán đảo của châu Á mà ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

"Phiến đá cung cấp thông tin về cuộc sống xã hội và hệ thống luật pháp ở Teos", giáo sư Musa Kadıoğlu, người phụ trách nhóm khai quật, nhận xét.

Nội dung trên phiến đá tiết lộ mảnh đất được cho thuê thông qua đấu giá và chủ sở hữu yêu cầu sử dụng nó trong ba ngày mỗi năm. Ngoài ra, hợp đồng được ký với một người bảo lãnh và 6 nhân chứng là những nhân vật nổi tiếng, trong đó có ba quan chức quản lý thành phố.

Giáo sư Mustafa Adak, một thành viên nhóm khai quật, cho biết đây là phiến đá đặc biệt nhất trong số các phiến đá cùng loại bởi một nửa nội dung trong đó đề cập tới hình phạt nếu vi phạm hợp đồng.

"Nó đề ra mức phạt người thuê phải trả nếu họ phá hỏng hoặc không thực hiện thủ tục bảo trì hàng năm đối với mảnh đất và các công trình kiến trúc. Chủ đất cũng yêu cầu kiểm tra mảnh đất mỗi năm và theo dõi hiệu suất của nó", Adak cho biết.

Đọc tiếp »

Mổ lợn nuôi 13 năm, phát hiện 'trư cát' tiền tỉ?

Ông Lương Văn Linh (SN 1963; trú quán tại xóm 1, xã Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An) cho biết: Vừa qua gia đình ông quyết định mổ con lợn nái đã nuôi 13 năm. Khi làm thịt, ông phát hiện có vật cứng bên trong bụng con lợn.

Qua quan sát, vật thể này có hình bầu dục, nặng 0,5kg, bên ngoài có lông trông giống như các lông lợn được liên kết lại với nhau, màu nâu lẫn đen, trắng, vàng.

Những người hàng xóm nghi vật thể này là "trư cát" vốn được đồn thổi là vô cùng quý giá nên khuyên ông Linh giữ lại tìm hiểu.

Ông Linh cho biết, nhiều người tò mò khi biết tin đã tới nhà ông xin được xem vật thể kể trên. Gần đây có những người lạ mặt nói là đến từ TP.HCM hỏi mua vật thể này với giá lên đến 3 tỷ đồng như gia đình ông Linh chưa bán.

Mổ lợn nuôi 13 năm, phát hiện 'trư cát' tiền tỉ? - ảnh 1Cận cảnh "trư cát".
Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn (Đô Lương – Nghệ An) cho biết: “Đúng là có một viên cát lợn tại gia đình ông Linh, xóm 1. Tôi đã trực tiếp đến xem. Nó nặng nửa ký và có hình bầu dục. Tôi cõng có nghe nói có thương lái trả giá tiền tỷ để mua, nhưng tôi không trực tiếp chứng kiến”.

Một số đồn thổi cho rằng "trư cát" quý hiếm có tác dụng trong việc chữa bệnh. Tuy nhiên, theo một số lương y, vật thể này thực chất là “sỏi lợn”. Hiện chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định "sỏi lợn" có giá trị về mặt y học.

Đọc tiếp »

Chủ nhân giải Nobel dùng tiền thưởng để làm gì?

Tổng thống Mỹ Obama với giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 2009. Ảnh: Reuters.Tổng thống Mỹ Obama với giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 2009. Ảnh: Reuters.

Những người được trao thưởng nhận được số tiền mặt là bao nhiêu?

Giải Nobel là một tập các giải thưởng quốc tế được trao thưởng hàng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học, Kinh tế và Hòa bình, trong đó các giải thưởng có thể được trao cho một hoặc nhiều cá nhân.

Giải thưởng ra đời bắt nguồn từ ý nguyện của nhà bác học, đồng thời là nhà công nghiệp người Thụy Điển Alfred Nobel (1833-1896) với mong muốn dành toàn bộ thu nhập hàng năm từ khối tài sản lớn của mình cho các công trình phục vụ lợi ích của con người. Alfred Nobel, người sáng chế ra thuốc nổ, đã ghi nguyện vọng đó trong chúc thư lập tại Paris năm 1895, tức là một năm trước khi ông qua đời.

Theo di chúc, tài sản của ông để lại khoảng 31,5 triệu cua-ron Thụy Điển, tính theo giá trị hiện tại có cộng thêm trượt giá giờ được tính là trên 200 triệu đô la Mỹ, được làm vốn lấy lãi hàng năm để trao thưởng cho “những người đã có những công trình đóng góp to lớn cho nhân loại trong năm trước”.

Mỗi cá nhân, tổ chức được trao giải Nobel sẽ nhận được một huy chương Nobel, một bằng khen và một khoản tiền thay đổi tùy theo lãi của Quỹ Nobel (trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển). Theo tính toán của Nobel, những năm đầu, mỗi giải thưởng tương đương 15 năm lương của một giáo sư đại học. Năm 1960, mỗi giải trị giá 225.987 cua-ron Thụy Điển, trong khi cuối những năm 1990, số tiền trao thưởng cho những người được giải là 7,9 triệu cua-ron (tính theo giá trị tại thời điểm trao giải). Kể từ tháng 12/2015, những người được vinh danh tại giải Nobel sẽ nhận được 8 triệu cua-ron, tương đương với 970.000 USD.

Tuy nhiên so với năm 2011, khoản tiền mặt thưởng cho những người đoạt giải Nobel trong năm 2015 đã bị giảm 20%. Đây là lần đầu tiên sau 63 năm, giải thưởng uy tín này bị cắt giảm. Trước đó vào năm 1949, khoản tiền mặt của giải thưởng cũng bị giảm nhưng tăng dần trong những năm tiếp theo. Theo Quỹ Nobel, việc cắt giảm diễn ra trong bối cảnh họ phải đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế, đặc biệt là ở các thị trường chứng khoán mà Quỹ Nobel đầu tư nhiều.

Người đạt giải Nobel dùng tiền thưởng vào mục đích gì?

Những người đoạt giải Nobel sẽ làm gì với số tiền thưởng gần 1 triệu USD luôn là vấn đề mà giới truyền thông và dư luận quốc tế quan tâm. Đối với một số người đạt giải, sau một thời gian dài cống hiến cho khoa học nhân loại, họ xứng đáng được sử dụng khoản tiền thưởng có giá trị lớn vào sở thích cá nhân.

Khi Sir Paul Nurse, hiện là giám đốc của Viện Crick Francis, Anh giành giải Nobel Y sinh vào năm 2001, ông đã tự thưởng cho mình một chiếc xe máy Kawasaki GPZ. Cảm thấy vẫn chưa đủ, ông đã tự “lên đời” cho bản thân bằng một chiếc xe Triumph Bonneville, theo lời kể của các đồng nghiệp. Sir Paul Nurse không phải là người duy nhất dùng tiền thưởng phục vụ cho sở thích xe cộ. Franco Modigliani, người thắng giải Nobel Kinh tế năm 1985, mặc dù từng hứa sẽ không tiêu pha quá đà với giải thưởng của mình, đã dùng tiền thưởng để nâng cấp một chiếc du thuyền.

Một số người thắng giải khác thì thiết thực hơn khi tận dụng khoản tiền “khủng” để mở rộng bất động sản. Richard Roberts, người nhận giải thưởng Nobel Y sinh vào năm 1993, chi tiền thưởng cho việc mở một sân cỏ chơi khúc côn cầu rộng 740m2 ngay trong khuôn viên nhà ở của mình.

Trong khi đó, chủ nhân Nobel Văn học năm 1957 Albert Camus, mua một ngôi nhà ở miền Nam nước Pháp để phục vụ cho sự nghiêp văn chương. Nhà viết kịch Eugene O'Neill, được trao giải Nobel Văn học năm 1936, cũng xây một ngôi nhà kiểu châu Á tại bang California bằng tiền thưởng, nơi mà sau này ông viết một số vở kịch nổi tiếng nhất trong sự nghiệp cầm bút.

Thiết thực hơn, một số người dùng tiền thưởng từ giải Nobel để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, cũng như “giắt lưng” một khoản tiền nhằm phục vụ cho tương lai. Sir John Walker – đồng giải Nobel Hóa học năm 1997, chia sẻ: “Tưởng chừng tiền thưởng là một con số khổng lồ nhưng thực sự không phải vậy. Vào thời điểm đó, các con tôi vào đại học. Khoản tiền sẽ giúp tôi an tâm về những chi phí giáo dục ở cấp đại học và sau đại học của chúng.” Đôi với nhà bác học nhận giải Nobel Vật lý năm 1903 Marie Curie, việc nhận giải Nobel đã khiến bà an tâm phần nào với khoản tiền hỗ trợ giúp bà tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nhiều người giành giải Nobel, thường là các chính trị gia, nhà hoạt động, lại dùng tiền thưởng phục vụ cho các lợi ích của cộng đồng. Tổng thống Mỹ Barack Obama là một ví dụ. Giải thưởng năm 2009 được ông quyên góp cho nhóm cựu chiến binh, các chương trình trong trường đại học và các tổ chức từ thiện. Liên minh châu Âu (EU) – tổ chức được vinh danh Nobel Hòa bình năm 2012, trao tặng gần 1 triệu euro tiền thưởng của giải thưởng cho những trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và xung đột.

Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp lại dùng tiền thưởng để thực hiện mục đích không ai ngờ tới. Nhà vật lý lý thuyết Albert Einstein – chủ nhân giải thưởng Nobel 1921, đã từng cam kết trao toàn bộ giải thưởng từ giải Nobel cho người vợ cũ khi cả hai ly hôn vào năm 1919. Trớ trêu thay, 2 năm sau khi ly dị, nhà bác học người Đức gốc Do thái giành được giải Nobel Vật lý và phải ngậm ngùi sử dụng số tiền từ giải thưởng danh giá để thực hiện vụ ly hôn.

Chủ nhân giải Nobel dùng tiền thưởng để làm gì? - ảnh 1Nhà bác học Albert Einstein sử dụng tiền thưởng Nobel để...ly dị vợ. Ảnh: Bundesarchiv.

Bên cạnh khoản tiền mặt được trao cho những người đạt giải, nhiều người đã đem bán đấu giá tấm huy chương Nobel để trang trải cuộc sống. Nếu như danh hiệu Nobel là vô giá thì những tấm huy chương bằng 150 gram vàng 18 ca-ra chạm hình Alfered Nobel lại có giá của nó, thậm chí là rất cao.

Gần đây nhất, James Watson, nhà khoa học Mỹ được nhận giải nobel Y học năm 1962, đã bán tấm huy chương Nobel của mình cho một tỷ phú người Nga với giá 4,76 triệu USD hồi tháng 12/2014. Trong khi đó chỉ trước đó có 20 tháng, những người được thừa kế của nhà khoa học Anh Francis Crick, nhận chung Nobel Y học với James Watson, lại chỉ bán được tấm huy chương với giá chưa bằng một nửa.

Nhiều người có thể nghĩ những tấm huy chương Nobel có vẻ “được giá” hơn khi chủ nhân của nó còn đang sống. Tháng 5/2015, nhà vật lý người Mỹ 93 tuổi Leon Lederman cũng đã đem bán huy chương Nobel Vật lý nhận năm 1988 với giá 765.000 USD.

Lederman từng sử dụng số tiền thưởng từ giải Nobel năm 1988 để mua một cabin ở Idaho, nhưng ông không chia sẻ dự định dùng số tiền bán huy chương Nobel này. Ông cùng vợ hy vọng hoạt động này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về nghiên cứu vật lý tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới.

Tuy vậy, đôi khi cũng có những trường hợp phải thất vọng. Chẳng hạn gia đình của nhà văn Mỹ William Faulkner - chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1949 - đã phải xin dừng rao bán huy chương hồi năm 2013 sau khi mức giá đạt được không như họ kỳ vọng.

Đọc tiếp »

Đứng tim thấy rắn bò ra từ... điều hòa

Hình ảnh cắt ra từ clip.Hình ảnh cắt ra từ clip.

Chuyện rắn bò vào nhà dường như đã không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn. Thế nhưng thông thường, rắn sẽ bò vào nhà qua lối cửa chính hoặc các khe hở. Còn ở trường hợp này, con rắn đã tìm cách bò vào nhà theo một đường đặc biệt hơn: qua điều hòa nhiệt độ.

Đứng tim thấy rắn bò ra từ... điều hòa - ảnh 1Người chủ nhà hoảng hồn khi thấy một con rắn bò ra từ điều hòa.
Cách đây không lâu, một cư dân Nhật Bản đã đăng tải đoạn video quay lại cảnh một con rắn thập thò chui ra từ khe thoát khí của điều hòa nhiệt độ. Anh này cho biết có lẽ con rắn đang đi kiếm ăn, do anh nuôi chuột cảnh trong nhà mà chuột lại là món ăn yêu thích của rắn.

Sau khi con rắn đột nhập thành công, người chủ nhà đã phải dùng kẹp để gắp nó thả ra vườn.

Đoạn video là lời cảnh báo với những gia đình sống ở nơi có nhiều rắn. Nếu không muốn rơi vào tình cảnh tương tự người chủ nhà trên, mỗi gia đình đều nên bịt kín các khe hở bằng lưới, ngay cả những nơi không ngờ tới như lỗ điều hòa.

Đọc tiếp »

Phát hiện loài cá mập răng nhọn hoắt vô cùng khủng khiếp

Cá mập Megalolamna paradoxodon sinh sống cách đây 20 triệu năm. Ảnh minh họa: Wikimedia Commons.Cá mập Megalolamna paradoxodon sinh sống cách đây 20 triệu năm. Ảnh minh họa: Wikimedia Commons.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy 5 chiếc răng dài 4,5 cm của loài cá mập đã tuyệt chủng ở Nhật Bản, Peru và Mỹ (California và North Carolina), theo Live Science. Phát hiện được công bố hôm qua trên tạp chí Historical Biology.

"Thực tế một loài cá mập lớn cỡ đó có sự phân bố địa lý rộng chỉ ra chúng ta vẫn còn biết rất ít về hệ sinh thái biển cổ xưa của Trái Đất", Kenshu Shimada, nhà cổ sinh vật học ở Đại học DePaul ở Chicago, Mỹ kiêm tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.

Các nhà nghiên cứu đặt tên cho loài cá mập sống ở đầu thế Trung Tân là Megalolamna paradoxodon, dựa trên hàm răng cỡ đại rất giống răng cá mập thuộc họ Lamna.

"Nhìn thoáng qua, răng của Megalolamna paradoxodon trông giống hàm răng khổng lồ của họ Lamna, bao gồm cá nhám thu và cá mập săn cá hồi hiện đại. Tuy nhiên, những chiếc răng hóa thạch này quá to so với họ Lamna, gợi nhắc đến những đặc trưng răng của họ Otodus. Do đó, chúng tôi xác định đây là một loài mới thuộc họ Otodontidae và không có quan hệ trực tiếp với họ Lamna", Shimada cho biết.

Phát hiện loài cá mập răng nhọn hoắt vô cùng khủng khiếp - ảnh 1Hóa thạch răng của Megalolamna paradoxodon được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Kenshu Shimada.
Theo Shimada, M. paradoxodon có bộ răng dùng để ngoạm ở phần trước miệng, và những chiếc răng dùng để cắn xé mọc ở phía sau, giúp loài thú ăn chia nhỏ con mồi. Nhiều khả năng chúng sinh sống ở vùng nước nông ven biển ở vùng vĩ độ trung tâm, nơi nhóm nghiên cứu tìm thấy những chiếc răng hóa thạch. Dù chỉ đào được mẫu vật răng, họ vẫn có thể ước tính được chiều dài loài cá mập này thông qua so sánh với răng của cá mập hiện đại.

Bằng cách phân tích tỷ lệ răng so với cơ thể ở những họ hàng hiện đại của M. paradoxodon, bao gồm cá mập cát, cá mập mako và cá mập trắng lớn, nhóm nghiên cứu ước tính nó có thể dài tới 3,7 m, tương đương một chiếc ôtô.

Tuy nhiên, việc tìm ra chính xác kích thước của M. paradoxodon không dễ, theo John-Paul Hodnett, chuyên gia về cá mập kiêm sinh viên cao học ngành sinh vật tại Đại học Saint Joseph ở Philadelphia, người không tham gia nghiên cứu. Một số loài cá mập hiện đại có bộ răng nhỏ nhưng có thể dài hơn 12 m.

Những chiếc răng tiền sử cũng giúp các nhà nghiên cứu phát hiện M. paradoxodon có họ hàng gần với Carcharocles megalodon, loài cá mập lớn nhất từng sinh sống trên Trái Đất. C.megalodon dài 18 m và có lực cắn mạnh hơn cả khủng long bạo chúa. Cả hai loài cá mập đều thuộc họ Otodontidae đã tuyệt chủng.

Đọc tiếp »

Hải quân Mỹ dùng mỡ bò làm nhiên liệu cho tàu chiến

Tàu USS Stockdale của Hải quân Mỹ sử dụng nhiên liệu sinh học. Ảnh: AP.Tàu USS Stockdale của Hải quân Mỹ sử dụng nhiên liệu sinh học. Ảnh: AP.

Hải quân Mỹ đặt mục tiêu sử dụng 50% năng lượng tái tạo cho tất cả hoạt động của tàu chiến và máy bay phản lực cùng các căn cứ trên bờ vào năm 2020, theo Share America.

Hiện nay, Hải quân Mỹ đang sử dụng nhiên liệu sinh học chứa 10% mỡ bò cho 10 tàu thuộc Hạm đội Xanh (Great Green Fleet). Tại căn cứ hải quân và các cơ sở khác trên đất liền, các tấm năng lượng Mặt Trời đang góp phần cung cấp nguồn điện sạch. Tổng năng lượng tái tạo do những đơn vị này sản xuất lên tới 1,1 gigawatt, đáp ứng một nửa nhu cầu về điện của Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ còn tiết kiệm năng lượng di chuyển nhờ hệ thống hoa tiêu dẫn đường, có thể tận dụng sức gió và các dòng hải lưu để kéo dài thời gian giữa hai lần tiếp năng lượng. Họ cũng hợp tác với hãng vận tải biển Maersk để nghiên cứu năng lượng sinh học từ tảo.

Hải quân Mỹ dùng mỡ bò làm nhiên liệu cho tàu chiến - ảnh 1Các nguồn nhiên liệu Hải quân Mỹ đang sử dụng. Ảnh: US Navy.

"Tất cả chúng tôi được hưởng lợi từ một tương lai với các nguồn năng lượng đa dạng hơn, sẵn có hơn, bền vững hơn, tương thích tốt hơn với môi trường", Ray Mabus, Bộ trưởng Hải quân Mỹ, chia sẻ.

Dennis McGinn, trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh tàu thuộc Hạm Đội Xanh không cần phải thay đổi hay chỉnh sửa để chạy nhiên liệu sinh học. "Bạn chỉ cần đổ nhiên liệu vào và không cần thay đổi gì. Nhiên liệu sẽ chảy vào bồn chứa, qua máy bơm, bộ lọc tới nơi đánh lửa và buồng đốt", McGinn nói.

Theo McGinn, các quốc gia khác tham gia đợt tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) gần đây cũng sử dụng nhiên liệu thay thế cho tàu của họ.

Đọc tiếp »