Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Thủy điện A Vương.
Nhiều tiềm năng
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm.
Bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch khai thác được khoảng 850MW điện mặt trời vào năm 2020; sẽ nâng lên 4.000MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000MW vào năm 2030.
Tiềm năng được đánh giá khá lớn, nhưng mãi đến năm 2014 mới có 1 dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên, đó là Nhà máy quang năng Hội An, Côn Đảo (xây dựng từ tháng 3/2014, có công suất 36kWp, điện lượng khoảng hơn 50MWh với tổng mức đầu tư khoảng 140 nghìn Euro, được hoàn thành đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014. Hiện cả nước mới có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20MW đến trên 300MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở miền Trung.
Ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Công ty Thủy điện Yaly cho biết, việc tận dụng hồ thủy điện để làm điện mặt trời là một trong những phương án đang được EVN nghiên cứu triển khai trong bối cảnh thủy điện lớn đã hết nguồn phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm được.
Cái khó đầu tiên chính là sự dao động bất thường của mực nước trên các hồ. Như ở hồ thủy điện Yaly, hay thủy điện Pleikrông dao động mực nước lên tới 25-40m (từ mực nước dâng bình thường xuống mực nước chết). Với độ dao động mực nước lớn như vậy, rất khó có thể tính toán tới việc thực hiện các dự án điện mặt trời.
Tuy nhiên, với mức dao động chỉ quanh mức 2m, hồ thủy điện Đa Nhim đang được tính toán là dự án chiến lược, thí điểm và hy vọng cho hiệu quả các dự án điện mặt trời ở khu vực Tây Nguyên nhiều nắng.
Nhưng không ít khó khăn
TS Trần Thị Thu Trà, chuyên viên Ban quản lý đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, qua thực tế nghiên cứu tại một số quốc gia phát triển điện mặt trời (như Đức) cho thấy “vấn đề đau đầu nhất” chính là vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện khi công suất điện mặt trời lớn.
“Điện mặt trời lên/xuống gần như tức thời. Nhưng điện sản xuất ra là phải tiêu thụ ngay. Vì tính chất điện mặt trời như vậy nên rất khó khăn cho việc vận hành hệ thống. Đó là EVN phải có 1 lượng công suất dự trữ rất lớn và các nhà máy nhiệt điện không được huy động ở công suất đặt đặc biệt là mùa khô. Khi mà điện mặt trời không phát nữa thì ta phải huy động nhiệt điện ngay lập tức để bù vào phần công suất thiếu hụt như vậy, nên chi phí vận hành của EVN chắc chắn sẽ tăng”, TS Thu Trà cho biết.
Một khó khăn nữa được TS Trần Thị Thu Trà chỉ ra, đó là lưới điện Việt Nam là lưới xoay chiều, trong khi điện mặt trời là điện 1 chiều nên phải dùng thêm một thiết bị inverter. Nếu các thiết bị inverter không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các khách hàng sử dụng điện.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Đình Thống, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. Ông Thống cho rằng, hiện nay các thiết bị inverter tiên tiến hiện đại của thế giới đã cực kỳ hoàn chỉnh rồi. Hiệu suất của nó cao trên 95-96%, tổn hao không đáng kể. Hơn nữa, con số về ổn định tần số, ổn định pha... rất tốt nên có thể giải quyết được tất cả các lo ngại này.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc Công ty CP Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, cho biết, hồ Đa Nhim có đặc điểm lặng gió, xung quanh kín, mực nước dao động rất thấp, tối đa chỉ 2m và ở vùng có bức xạ mặt trời rất lớn. Theo số liệu khảo sát của công ty từ tháng 4/2016 đến nay cho thấy bức xạ tốt, thuộc mức cao so với trung bình của Việt Nam.
“Tiềm năng của hồ này là cực lớn. Diện tích của mặt hồ dự tính cho khoảng 400MW điện nhưng giai đoạn 1 chúng tôi làm khoảng 50MW. Hiện nay chúng tôi đang lập báo cáo đầu tư. Vốn đầu tư cho dự án này cỡ 60 triệu USD”- ông Oánh cho hay.
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, vốn đầu tư lớn, công nghệ và đòi hỏi diện tích đất lớn là những yếu tố khiến giá thành điện mặt trời còn khá cao so với các nguồn điện khác. Dự tính giá thành của 1 kWh điện mặt trời nối lưới dao động khoảng 12 cent/kWh, trong khi giá điện từ các nguồn hiện nay trung bình khoảng 5-6 cent/kWh. Nếu không có sự hỗ trợ lớn hơn về giá từ Chính phủ, việc tận dụng phát triển năng lượng mặt trời sẽ vẫn là bài toán khó.