Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Người phụ nữ 'cả gan' cầm dép xỏ ngón đuổi... cá sấu

Người phụ nữ đuổi cá sấu bằng dép xỏ ngón.Người phụ nữ đuổi cá sấu bằng dép xỏ ngón.

Mới đây, tờ BBC đăng đoạn video thú vị quay lại cảnh một phụ nữ xua đuổi cá sấu theo cách không giống ai.

Player Loading...

Trong video, một phụ nữ da màu và con chó nhỏ đứng trên đoạn đường bê tông ngập nước. Bên cạnh, nhiều con cá sấu đang lượn qua lượn lại như đang quan sát con mồi.

Lát sau, một con lướt về phía người phụ nữ. Thay vì bỏ chạy, người phụ nữ lại rút chiếc dép xỏ ngón ở chân phải và dọa con vật.

Đáng ngạc nhiên, loài vật được mệnh danh là “sát thủ đầm lầy” lại có vẻ sợ hãi. Đến khi, người phụ nữ vỗ mạnh chiếc dép vào tay, con vật lập tức chuyển hướng bỏ chạy. Lúc này, người phụ nữ đưa tay nói tạm biệt với con cá sấu rồi thủng thẳng bỏ đi.

Dù bật cười trước cảnh tượng đó, Lundon Anlezark, người quay lại vụ việc, tỏ vẻ không đồng tình với cách xử lý của người phụ nữ: “Tôi không nghĩ cô ấy ý thức được sự nguy hiểm của hành vi đó”.

Đoạn video trên được quay ở sông East Alligator bên trong Công viên Quốc gia Kakadu, Úc; được biết, có ít nhất 120 con cá sấu ở đoạn sông này.

Đọc tiếp »

Nhà khoa học Nhật Bản giành giải Nobel Y sinh học 2016

Giáo sư Ohsumi Yoshinori. Ảnh: NHKGiáo sư Ohsumi Yoshinori. Ảnh: NHK

Theo Đài truyền hình NHK, Giáo sư Ohsumi Yoshinori đã giải thích được cách thức các tế bào loại bỏ các protein bị lỗi hay phân hủy các protein không cần thiết để tạo ra năng lượng. Cơ chế này được gọi là autophaji và có ở tất cả các tế bào có nhân.

Khám phá của nhà khoa học Nhật Bản được đánh giá cao vì nó giúp chỉ ra nguyên nhân gây nên các bệnh như ung thư, Parkinson và các bệnh thần kinh khác.

Nhờ khám phá này, ngành y học có thêm cơ sở để phát triển các biện pháp ngăn ngừa và chữa trị các bệnh này.

Nobel Y học là giải thưởng đầu tiên được công bố trong mùa giải Nobel hàng năm. Giải thưởng này trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (khoảng 933.000 USD).

Đọc tiếp »

Sài Gòn càng chống, càng ngập

Xe chết máy hàng loạt trên đường Lương Đình Của, quận 2. Ảnh: Ngô Bình.Xe chết máy hàng loạt trên đường Lương Đình Của, quận 2. Ảnh: Ngô Bình.

Vũ điệu của nước

Cơn mưa lớn, xảy ra trên diện rộng sáng 3/10 gây ngập úng nghiêm trọng tại nhiều quận huyện trung tâm ở TPHCM. Trên xa lộ Hà Nội, nhiều đoạn đường bị ngập nặng, đặc biệt là khu vực dưới chân cầu Rạch Chiếc. Theo ghi nhận của Tiền Phong, quận 9 là một trong những địa bàn bị ngập nặng nhất.

Tuyến đường Đỗ Xuân Hợp bị ngập rất nặng, có đoạn ngập sâu gần 1m cho dù tại đây, dự án lắp đặt cống thoát nước với tổng kinh phí đầu tư hơn 137 tỷ đồng vừa hoàn thành vào đầu năm 2016. Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (trung tâm chống ngập), tình trạng ngập trên xa lộ Hà Nội là do hệ thống thoát nước chưa kết nối với dự án đường song hành xa lộ Hà Nội do vướng giải phóng mặt bằng, trong khi đây lại là hướng thoát nước chính.

Tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) đã thi công hệ thống cống thoát nước từ tháng 5 vừa qua với tổng kinh phí đầu tư hơn 163 tỷ đồng nhưng hiện là một trong những điểm “đen” về ngập úng của TPHCM. Ông Nguyễn Ngọc Công thừa nhận tuy đường đã có cống nhưng cống lại không có cửa xả vì vướng đền bù giải tỏa… một hộ dân suốt nhiều tháng nay chưa giải quyết xong nên khu vực vẫn bị ngập trắng.

Hàng loạt dự án đổ ra hàng tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả, như dự án chống ngập đường An Dương Vương (qua địa bàn quận Bình Tân và quận 8) mới làm được 300 m/3.000 m cống thì đụng đường ống cấp nước sạch nên ngưng hơn 6 tháng qua để chờ di dời ống cấp nước. Còn đường Trường Sơn (quận Tân Bình) đã có cống nhưng vẫn ngập nặng vì miệng thu nước kích thước quá nhỏ...

Sài Gòn càng chống, càng ngập - ảnh 1Đường phố Sài Gòn ngập nặng sau cơn mưa chiều. Ảnh: Huy Thịnh.

Lại lỗi hệ thống

Trao đổi với Tiền Phong chiều 3/10, GS-TS Lê Huy Bá, (Viện Khoa học Công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TPHCM) cho rằng, công tác chống ngập của thành phố đã có nhiều sai lầm ngay từ đầu đã cắt xén, không hệ thống, chắp vá và “đụng đâu đánh đó”, ngập đâu chống đó, dẫn đến tình trạng chống điểm này ngập điểm khác. Ông nói việc chống ngập theo tuyến đường như hiện nay là không hợp lý, bởi mỗi tuyến đường chia thành hai lưu vực, nâng đường lên thì nhà dân biến thành hầm chứa nước, dân nâng nền nhà lên thì đường ngập.

GS Lê Huy Bá cũng cho rằng chiến lược quy hoạch và thực hiện quy hoạch thoát nước đô thị cũng sai cơ bản và manh mún. “Chúng ta chưa đặt thành phố vào vị thế là một đô thị bán ngập triều. Đô thị nằm trên vùng kênh rạch chằng chịt, mỗi ngày hai lần nước triều ra vào, chênh lệch đỉnh triều và chân triều có khi 2,5-3m. Vì vậy, trong quy hoạch, thiết kế kênh mương, ống thoát nước phải lớn gấp rưỡi đến 2 lần bình thường.

Vì hệ thống cống, mương, kênh này mang hai chức năng, vừa thoát nước vừa trữ nước. Nếu san lấp, lấn chiếm kênh, rạch, sông ngòi thì tất yếu là thoát ngập rất khó khăn”- GS Bá phân tích. Bên cạnh hệ thống thoát nước được thiết kế từ nhiều năm trước với đường kính nhỏ, việc xóa kênh rạch để gắn cống hộp cũng là một chiến lược sai lầm. Theo ông bên cạnh việc không nâng đường chống ngập, tăng đường kính cống thoát nước và khơi lại các con kênh đã bị san lấp, cần kết hợp các cống bọng, van ngăn triều và xây dựng các hồ điều tiết.

Dẫn chứng các quốc gia có địa thế thấp hơn mặt nước biển nhưng thành công trong các công trình chống ngập, GS Bá cho biết, Hàn Quốc từng lấp một con kênh lớn ở ngay Seoul để làm cống hộp, xây dựng khu đô thị mới rất đẹp nhưng sau đó phải khơi lại dòng kênh. Ở Hà Lan, người ta chia thành ba khu vực ở ba cấp độ rồi bơm nước điều tiết từ khu vực này qua khu vực khác đồng thời có van ngăn triều ở sông.

“Một đoạn đường bị ngập, cho nâng đường là hết ngập, một khu vực ngập làm cống hộp lớn hơn, một công sở ngập cho nâng nền là hết ngập... Nhưng khổ nỗi, nước chẳng đi đâu cả, chỉ chảy từ chỗ này sang chỗ khác. Nâng đường thì hẻm ngập, nâng hẻm thì nhà ngập, nhà nhà nâng nền thì đường lại tái ngập... Đó là một cuộc rượt đuổi không có hồi kết”.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa

Đồng quan điểm, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, chiến lược chống ngập đã sai từ nhiều năm trước. Địa hình TPHCM có nhiều điểm trũng thấp, khi ta chiếm chỗ của nước, thì nước sẽ tràn vào chỗ khác nên nơi này nâng lên thì nơi khác ngập. Đó là, hậu quả của việc phát triển hạ tầng thiếu bền vững, vô tội vạ. “Ở Singapore người ta quy định tỷ lệ dòng chảy tràn trên mỗi một diện tích xây dựng. Như việc họ tính một dự án đó khi mưa xuống thì phần dòng chảy tràn ra khỏi diện tích đất dự án không được vượt quá 50%”, PGS Phi nói.

Lý giải tình trạng ngập nặng mấy ngày qua, lãnh đạo trung tâm chống ngập cho rằng hệ thống thoát nước đã lạc hậu so với thực tế. Đơn cử như trận mưa chiều 26/9 chỉ kéo dài trong 1 giờ 30 phút đã đạt vũ lượng 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2001 (quy hoạch 752) khiến gần như hệ thống thoát nước của TPHCM tê liệt vì quá tải.

Tuyến cống cấp 3 được thiết kế với tần suất mưa 75,88 mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa 85,36 mm, trong đó, tuyến cống cấp 2 được thiết kế với tần suất vũ lượng đạt trong 1 giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,70 mm (tức 100 năm chỉ xảy ra 1 trận mưa có vũ lượng 137,70mm trong 1 giờ 30 phút).

Giám đốc một công ty tư vấn về thủy lợi tham gia nhiều công trình chống ngập tại TPHCM cho biết nhiều năm trước đã nhận ra quy hoạch 752 không còn phù hợp. Tuy nhiên, khi lập hồ sơ thiết kế một số dự án và cập nhật các số liệu khảo sát mới nhất thì hồ sơ không phê duyệt vì không tuân thủ quy hoạch 752.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM, cách chống ngập hiện nay là đếm số điểm ngập hằng năm và phấn đấu giảm ngập theo từng điểm làm sao từ 100 xuống còn 58, xuống 31... Đây là kiểu chống ngập phù hợp với những thành phố, thị trấn nhỏ, nhưng với một thành phố rộng 2.100 km2, dân số 12 triệu người thì không hiệu quả.

Đọc tiếp »

Phía sau cuộc chiến... câu like

“Câu” like kiếm tiền

Mấy tháng nay, T. ngụ ở quận 3, TPHCM chuyển sang làm nghề câu like cho một công ty về bán hàng trên mạng. T. cho biết, ngoài việc đưa sản phẩm lên mạng, phải vào comment để làm sao được nhiều like nhất có thể. “Nếu “câu” được 1.000 like công ty trả cho tôi 200 nghìn đồng. Số tiền nhân lên gấp đôi nếu khách hàng like nhiều hơn”- T. kể.

So với những hình thức quảng cáo online khác, quảng cáo thông qua facebook rẻ và hiệu quả hơn hẳn. Một ngôi sao giải trí có hàng chục ngàn fan thì chắc chắn Fanpage của họ sẽ luôn có lượng người xem, like và comment đông đảo. Chỉ cần chủ nhân của Fanpage thường xuyên comment là đã có một lượng lớn người xem và hiển nhiên những quảng cáo trên các trang này sẽ có hiệu quả nhanh chóng. Một người làm nghề câu like cho ca sĩ X. ở TPHCM kể với lượng like kinh khủng từ fanpage của ca sĩ X, rất nhiều nhãn hàng quảng cáo phải trả thêm tiền cho các “sao”. “Thậm chí khi những “sao” comment khen ngợi về nhãn hàng nào là nhãn hàng đó sẽ được chú ý nhiều hơn”- người này nói.

Phía sau cuộc chiến... câu like - ảnh 1Một Blogger phải đối mặt với công an vì câu like.

Tuy nhiên trong thực tế, số lượng “sao” quá ít nên các blogger sống bằng nghề câu like phải tự tạo lượng thành viên cho riêng mình. Theo T. cách phổ biến nhất là sau khi xây dựng fanpage, các chủ trang thường câu like bằng cách đưa bài viết hay hình ảnh, video clip về một vấn đề nào đó đang được quan tâm. Khi một thành viên bấm like/share/comment thì lập tức danh sách bạn bè của người đó sẽ nhận được thông tin. Và khi bạn bè họ vào xem thì lập tức thông tin lại được lan truyền cho danh sách bạn bè của từng người xem theo cấp số nhân. Bởi thế, với mỗi một comment hấp dẫn, có khi chỉ trong chừng vài chục phút, lượng like của trang đã lên tới vài chục ngàn người. “Nếu trang đó hoạt động ổn định với một lượng người tương tác chừng vài chục ngàn like/ngày, chủ nhân có thể bán được trang hay là cho thuê kinh doanh trên đó”- T. kể thêm.

Tuy nhiên, để câu một lượng like đông đảo như thế, “thợ câu like” cũng dùng nhiều chiêu trò. Theo T. họ thường bám theo những sự kiện ăn khách như tai nạn xe, án mạng, đánh ghen hay nhưng chuyện liên quan đến những người nổi tiếng. Thậm chí, để câu like đã có những “thợ” còn đưa lên trang những vẫn đề nhạy cảm hay dính dáng đến cả vấn đề pháp luật hay an ninh quốc gia. Blogger M., một người đã từng có lượng người like lên đến hơn 10 ngàn đã thừa nhận, để có nhiều like, anh ta đã phải làm những chuyện lẽ ra không nên làm như đưa lên những tấm ảnh đầy thương tâm vô đạo đức, thậm chí còn “a dua” nói xấu một số người nổi tiếng.

Cho tới “Câu like tự sướng”

So với câu like để kiếm tiền, lượng người câu like tự sướng đông đảo hơn nhiều. Đa số họ là những người còn trẻ, nghiện cuộc sống ảo và muốn gây được sự chú ý với mọi người nên đã nghĩ ra đủ chiêu trò để câu like. Trong đó phổ biến nhất vẫn là tung ảnh khỏa thân để khoe, hứa hẹn tung clip nhạy cảm để có nhiều like và tự nhận đồng tính để khoe... Năm 2014, một cô gái để câu like đã khoe mình có bầu với một cầu thủ nổi tiếng và bị phụ tình. Khi cơ quan chức năng triệu tập, cô gái đó hồn nhiên: “Em làm thế chỉ để câu like”.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, một thanh niên đã tuyên bố trên face là sẽ tự thiêu nếu “câu” đủ 40 ngàn like. Và anh ta đã làm thật khi tự đốt mình rồi nhảy xuống cầu Tân Hóa - Sài Gòn. May, người này không thiệt mạng nhưng vụ việc đã khiến giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng. Còn một thanh niên khác câu like bằng cách đăng thông tin hình ảnh về việc giết thịt động vật hoang dã. Chưa biết có đủ like hay không nhưng sau đó anh ta đã phải đối mặt với pháp luật...

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Thạc sỹ tâm lý Đào Lê Hòa An, giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt cho rằng không chỉ các bạn trẻ ở tuổi mới lớn mà nhiều người lớn tuổi cũng có nhu cầu thể hiện bản thân, khẳng định bản thân và mong muốn được người khác chú ý đến. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận các bạn trẻ muốn được khẳng định bản thân, được nổi tiếng nhưng không phải ai cũng có đủ tài năng, năng lực thật sự để khẳng định mình, để thu hút người khác chú ý. Và theo chuyên gia này, trong thời buổi mạng xã hội đang bùng nổ việc thể hiện cái tôi mang tính cường điệu hóa và thách thức để được mọi người biết đến luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều hệ lụy. “Do đó, các bạn thể hiện “bộ mặt” này ra sao còn tùy thuộc vào trí tuệ của mỗi người”, ông An chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Cty Luật Đức Chánh cho biết, mạng xã hội là nơi chia sẻ giao lưu, trao đổi thông tin. Nếu người nào đó lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì có thể bị xử lý theo quy định. “Hành vi dùng facebook câu like, view bằng cách đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân hoặc giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật”- luật sư Chánh nói.

Đọc tiếp »

Facebook sẽ xây trung tâm dữ liệu ở Đan Mạch

Trang mạng Fyens.dk của Đan Mạch đưa tin, trung tâm dữ liệu mới của Facebook có diện tích khoảng 184.000 m2, sẽ được xây ở Odense, nơi sinh của nhà văn lỗi lạc Hans Christian Andersen.

Với quy mô như vậy, “gã khổng lồ” truyền thông xã hội dự tính sẽ cần khoảng 1.200 nhân công để hoàn thiện đúng hạn.

Đây là trung tâm dữ liệu thứ ba ngoài Hoa Kỳ của Facebook nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ và quản lý dữ liệu ngày càng tăng mạnh.

Trước đó, Facebook đã mở một trung tâm tương tự ở Thụy Điển vào năm 2013, và hiện đang xây dựng một trung tâm khác ở Ireland.

Đọc tiếp »

Khám phá tế bào tự ăn, người Nhật nhận Nobel Y học

GS Yoshinori Ohsumi - chủ nhân giải Nobel Y học 2016. Ảnh: AP.GS Yoshinori Ohsumi - chủ nhân giải Nobel Y học 2016. Ảnh: AP.

Giáo sư Yoshinori Ohsumi (sinh năm 1945, hiện công tác tại Viện Công nghệ Tokyo) là người Nhật Bản thứ sáu giành giải Nobel Y học. Khi được hỏi về cảm tưởng khi đạt giải thưởng danh giá này, giáo sư Ohsumi nói ngắn gọn: “Tôi ngạc nhiên. Tôi đang ở trong phòng thí nghiệm”. Ông đã tìm ra bí mật về cách thức tế bào duy trì sự khỏe mạnh bằng cách tái chế phế thải.

Giáo sư Ohsumi khám phá quá trình tế bào ăn các thành phần của chính mình, phân chia thành các khối để có thể sử dụng ở chỗ khác. Ủy ban Nobel nhận định, khám phá của ông “đã dẫn tới sự hiểu biết mới của chúng ta về cách thức tế bào tự tái chế các thành phần của chúng”. Sử dụng các tế bào men, nghiên cứu của giáo sư Ohsumi đã giúp nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc tế bào tự ăn và vai trò của nó trong các quá trình sinh lý học. Thông qua nghiên cứu hàng nghìn loài men, nhà sinh học tế bào Nhật Bản đã xác định được 15 kiểu gene quan trọng đối với quá trình tự tái chế của tế bào. Lĩnh vực y sinh rất quan tâm quá trình tự ăn của tế bào vì việc biến đổi trong những gene này có thể dẫn tới bệnh tật, như bệnh thoái hóa thần kinh, tăng trưởng tế bào ung thư, thúc đẩy kháng thuốc chữa ung thư…

Ủy ban Nobel nói rằng, thông qua công trình nghiên cứu của giáo sư Ohsumi, giờ đây, các nhà khoa học biết rằng, khi quá trình tái chế tế bào gặp trục trặc, bị gián đoạn, nó có thể liên quan sự tích lũy protein trong bệnh Parkinson, tiểu đường type 2 và một số rối loạn khác xuất hiện ở người cao tuổi. “Chúng ta cần quá trình tự ăn của tế bào để phòng chống các phân tử xâm lấn, ví dụ, để xử lý các protein quá lớn có thể tồn tại quá lâu hoặc có thể bị lỗi”, Juleen Zierath, một nhà sinh học, thành viên Ủy ban Nobel, giải thích. “Chúng ta cũng cần quá trình tự ăn để đổi mới tế bào. Nói cách khác, chúng ta cần nó để phân tách protein để tự cường”, bà nói thêm.

Giải thưởng Nobel Y học 2016 là giải thưởng thứ 107 trong lĩnh vực này kể từ khi giải Nobel đầu tiên được trao năm 1905. Ủy ban Nobel thường trao giải cho các nghiên cứu được thực hiện nhiều năm trước, để đảm bảo rằng, đến nay chúng vẫn còn giá trị. Giải Nobel Y học năm ngoái được trao cho 3 nhà khoa học phát triển các phương pháp chữa trị một số bệnh nhiệt đới, trong đó có sốt rét.

Sau giải Nobel Y học 2016, các giải Nobel Vật lý, Hóa học và Hòa bình sẽ được công bố trong tuần này. Mỗi giải trị giá 8 triệu Krona (tương đương 930.000 USD).

Yoshinori Ohsumi được đào tạo về sinh học tế bào tại Đại học Tokyo, sau đó nghiên cứu tại Đại học Rockefeller (Mỹ). Từ khi thành lập phòng thí nghiệm của riêng mình, ông tập trung nghiên cứu cơ chế tự ăn của tế bào.
Đọc tiếp »

Đôi vợ chồng Mỹ coi gấu nâu nặng gần 7 tạ như con ruột

© Bản quyền thuộc báo điện tử Tiền Phong

Tổng Biên tập: LÊ XUÂN SƠN

Tòa soạn: 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội - Điện thoại: (84-4) 39431250 - Fax: (84-4) 39430693 - Email: online@baotienphong.com.vn

Giấy phép số 304/GP-BTTTT cấp ngày 30/7/2013. Cơ quan chủ quản: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản

Powered by ePi Technologies

Đọc tiếp »